Tin tức - Tăng trưởng tín dụng liệu có đạt được mục tiêu cuối năm?
Trong 7 tháng đầu năm 2014, tín dụng "đổ" vào nền kinh tế mới chỉ đạt được 3.68% so với cuối năm 2013, trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ mục tiêu tăng khoảng 12-14% vào cuối năm nay
Theo thông cáo của Ngân hàng Nhà nước về kết quả điều tra hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 7 tháng đầu năm, thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo và dư thừa, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt, lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ nhưng vẫn có xu hướng ổn định ở mức thấp.
Đến ngày 31/7/2014, so với cuối 2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,36%, huy động vốn tăng 6,98%. Đáng chú ý là trong đó huy động ngoại tệ vẫn tăng 1,31% dù tỷ giá ổn định và chênh lệch lãi suất VND với USD còn khá lớn; huy động bằng VND tăng 7,92%.Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn khó khăn, khi đến ngày 31/7/2014 mới chỉ tăng 3,68% so với cuối năm 2013. Dù vậy, thông cáo cho biết, những tháng cuối năm Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để đạt được mục tiêu tín dụng tăng khoảng 12-14% vào cuối năm nay.
Vì vậy, để tăng trưởng tín dụng không “dồn toa” vào cuối năm như những năm gần trước, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 7/2014, tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu đề ra, không để dồn vào thời điểm cuối năm; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, với mức tăng trưởng khiêm tốn như trên, tín dụng từ các tổ chức tín dụng “chảy” vào nền kinh tế, “chảy” vào sản xuất kinh doanh chưa nhiều. Điều đa số những doanh nghiệp cần vốn lại không đủ điều kiện, năng lực để tiếp cận vốn vay ngân hàng. Ngược lại, một bộ phận nhỏ doanh nghiệp lại không cần vay vốn để làm gì, vì cơ hội kinh doanh vẫn chưa đến.
Vậy tăng trưởng tín dụng những tháng qua dựa vào đâu? Đó có sự “góp sức” không nhỏ của trái phiếu Chính phủ. Được biết, trong 6 tháng đầu năm, khi tăng trưởng tín dụng đạt 3,52% so với cuối năm 2013, dòng tiền các ngân hàng thương mại tập trung 90% vào trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Kho bạc Nhà nước.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tín dụng tăng thấp là do doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm và chi phí vốn còn cao. Số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng đầu năm vẫn tăng 9,8% so cùng kỳ 2013.
Tại Báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm 2014, Công ty Chứng khoán Viecombank (VCBS) cho rằng: Việc đẩy nhanh tín dụng ra nền kinh tế một cách hiệu quả với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% vẫn sẽ rất khó khăn do rào cản chính của điều này không phải đến từ việc lãi suất chưa ở mức hợp lý, mà chủ yếu vì quá trình giải quyết nợ xấu chưa có nhiều tiến triển và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lòng tin của khu vực tư nhân, còn yếu.
Đồng quan điểm cho rằng, để đạt được mục tiêu tín dụng 12-14% năm nay là điều không dễ, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng: Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, của nền kinh tế còn khó khăn, các biện pháp tăng đầu tư công cũng giải ngân chưa nhiều nên tổng cầu của nền kinh tế chưa tăng trưởng trở lại.
Do đó, Chính phủ cần phải vào cuộc để hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các biện pháp như tăng cường các giải pháp tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho doanh nghiệp. Đặc biệt, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự cơ cấu lại, chấn chỉnh hoạt động, đổi mới công nghệ, tập trung nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, trong đó đặc biệt là vấn đề thị trường…
Tin liên quan:
- Muốn thành công, nhất định phải đầu tư vào thứ này
- Giá xăng giảm mạnh trong bao lâu
- Phiên giao dịch cuối tuần: Niềm vui không trọn vẹn
- Khối ngoại mua mạnh MSN và GAS trong phiên cuối tuần
- Dầu lập đỉnh 9 tháng trước bất ổn Iraq
- Tập đoàn FPT đã bỏ số tiền lớn cho M&A năm 2014
- Nền kinh tế vẫn trong vùng trũng suy giảm
- Giá vàng tăng nhanh trong 10/8
- Đại gia ngân hàng đang dần tháo chạy
- BIDV chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Ngân hàng VID Public